Bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh, đặc biệt ở sự phức tạp của nguyên nhân cũng như những khó khăn trong điều trị.
Hiện chưa có số liệu nghiên cứu chính xác về tỉ lệ bạch biến tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, tỉ lệ bệnh chiếm 1%. Bệnh có tính chất gia đình (khoảng 30%). Hầu hết bệnh nhân đều khỏe mạnh, có kết hợp với các bệnh lý tự miễn khác như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, thiếu máu, thiểu sản tủy. Do đó, ngoài khía cạnh thẩm mỹ, cần quan tâm chú ý đến các bệnh lý đi kèm.
Độ tuổi khởi phát thường gặp từ 10 - 30, 50% trường hợp xảy ra trước 20 tuổi và bệnh cũng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tỉ lệ mắc bệnh ở 2 giới gần như tương đồng nhưng có những nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bệnh ở nữ gần gấp đôi nam. Bệnh có xu hướng nhiều hơn ở các nước nhiệt đới và người da màu hơn những người da trắng.
Nguyên nhân có thể do di truyền, liên quan đột biến ở gen DR4 (ở người da đen), B13 (ở người Do Thái Maroc), BW35 (ở người Do Thái Yemen) của HLA, hoặc có thể do ảnh hưởng của bệnh tự miễn. Các tự kháng thể chống lại kháng nguyên của hệ thống tế bào hắc tố, gây độc cho tế bào, hoặc làm giảm sản xuất hắc tố (melanin). Khoảng 20 - 30% bệnh nhân bạch biến có tự kháng thể chống tuyến giáp, tuyến thượng thận. Một số bệnh nhân bạch biến phát sinh bệnh là do hoá chất phá hủy hoặc ức chế hoạt động của tế bào hắc tố dẫn đến giảm sản xuất hắc tố da.
Có một số yếu tố thuận lợi cho phát sinh bệnh như sốc về tình cảm, bị thương, cháy nắng hoặc rám nắng.
Điều trị bạch biến thật sự là một vấn đề đầy thử thách bởi gần như chưa có một phương pháp nào được chứng minh là hiệu quả tuyệt đối, cũng như quá trình điều trị bệnh kéo dài. Điều trị dựa vào cơ chế và triệu chứng, tùy theo mức độ bệnh, thể bệnh, tuổi bệnh, vị trí thương tổn, tuổi đời bệnh nhân.
Tư vấn tâm lý:
Tác động bạch biến lên chất lượng cuộc sống bệnh nhân tương đối cao, trong đó người ta thống kê được các khó khăn sau:
- Bất thường tâm lý: 30%.
- Khó khăn về tình dục: 20%.
- Băn khoăn, lo lắng: 19%.
- Chồng lấp các khoản trên: 55%.
Do đó, vai trò của việc tư vấn trong điều trị bạch biến là vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh không mặc cảm với bệnh tật, giảm thiểu sự tự ti khi giao tiếp cuộc sống, cũng như hiểu rõ bệnh chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ chứ ít khi nguy hiểm đến tính mạng.
Thuốc chống nắng:
Ở bệnh nhân bạch biến, chất lượng cũng như số lượng của hắc tố bào suy giảm gây ra sự sụt giảm khả năng bảo vệ cơ thể dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Người bệnh cần sử dụng các thuốc chống nắng dạng bôi, cũng như có thể kết hợp cả dạng thuốc uống chống nắng để tránh sự bỏng nắng ở những vùng da mất sắc tố nằm ở vùng phơi bày ánh sáng. Việc chống nắng ngoài việc bảo vệ cơ thể còn giúp làm giảm sự tương phản màu sắc giữa vùng da lành và da bệnh, cũng như tránh hiện tượng Koebner làm tổn thương da.
Mỹ phẩm, trang điểm:
Mỹ phẩm, trang điểm thật sự là một giải pháp tuyệt vời giúp gia tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân bạch biến, đặc biệt ở những bệnh nhân nữ. Việc màu da bị mất sắc tố được che phủ bởi một lớp trang điểm đều màu da sẽ cải thiện một cách đáng kể sự tự tin cho bệnh nhân khi giao tiếp với các mối quan hệ ngoài xã hội.
Các phương pháp trang điểm, che lấp khuyết điểm khác nhau có thể được áp dụng trên bệnh nhân bạch biến, cũng như những ưu khuyết điểm, giá trị sử dụng của từng loại trong những điều kiện cụ thể.
Thuốc bôi tại chỗ:
Các loại thuốc thường được lựa chọn để bôi trong điều trị bạch biến bao gồm: cortiosteroid, ức chế calcineurin, nhóm thuốc vitamin D3, PGE2…
Corticosteroid là nhóm thuốc thường được lựa chọn đầu tiên trong điều trị những thể bạch biến giới hạn ít. Ngoài tác dụng chống viêm, corticosteroid còn có tác dụng ức chế miễn dịch bằng cách tác động làm giảm số lượng các cytokine và immunoglobin. Chính vì vậy thuốc làm giảm sự gây độc hắc tố bào do tự kháng thể gây ra. Tùy theo vị trí sang thương mà cách chọn lựa nhóm thuốc sẽ khác nhau. Hydrocortisone được ưu tiên sử dụng đối với những sang thương ở mặt. Những vị trí khác trên da có thể lựa chọn corticosetroid thoa nhóm III, IV sẽ có hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, vì tác dụng phụ của thuốc mà không nên sử dụng trên nhóm đối tượng trẻ em, cũng như sử dụng kéo dài trên 2 tháng. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy việc kết hợp corticosteroid bôi và các liệu pháp trị liệu khác như laser CO2, UVB phổ hẹp, dẫn xuất vitamin D3… đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn.
Bạch biến là một rối loạn hắc tố da hiếm gặp, ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý và thẩm mỹ người bệnh. Bệnh dễ chẩn đoán nhưng cơ chế gây bệnh chưa được hiểu rõ, dẫn đến những khó khăn trong điều trị. Ngày càng có nhiều phương pháp điều trị bệnh bạch biến, tuy nhiên đa số chỉ đạt mức độ cải thiện lâm sàng ở mức thấp khi điều trị riêng lẻ. Việc kết hợp các phương thức điều trị gần như là điều quan trọng để đảm bảo kết quả điều trị.
TS. LÊ THÁI V N THANH